Luật sư Nha Trang Khánh Hòa tư vấn chia thừa kế

Không có di chúc thì chia di sản thừa kế như thế nào?
Câu hỏi:
Thưa luật sư, gia đình tôi có 4 anh chị em, tất cả đều đã trưởng thành. Ông bà nội ngoại hai bên đã mất. Năm 2005 mẹ tôi mất, đến năm 2007 bố tôi lấy vợ mới và hiện tại người con của bố tôi với vợ mới đã được 12 tuổi.
Sinh thời bố mẹ tôi có tạo lập xây nhà cấp 4 trên mảnh đất 300m2 tại Nha Trang Khánh Hòa giá trị thị trường khoảng 3 tỷ đồng. Năm 2020 bố tôi mất. Tôi muốn hỏi luật sư khi bố tôi mất thì tài sản sẽ chia như thế nào?
Văn phòng Luật sư Nguyễn Đình Thơ xin trả lời như sau:
- Căn cứ theo khoản 2 điều 66 Bộ luật hôn nhân và gia đình 2014.
Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.
- Căn cứ theo điều 611, 623 Bộ luật dân sự 2015:
+Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.
+Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.
- Căn cứ theo điều 651 Bộ luật dân sự 2015:
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
=> Như vậy tài sản trong thời kì hôn nhân gọi là tài sản chung của vợ chồng, điều này nghĩa là 1/2 của mẹ anh và 1/2 còn lại là của bố anh. Vậy khi mẹ anh mất không có di chúc thì 1/2 tài sản của mẹ anh sẽ chia làm 5 phần cho hàng thừa kế thứ nhất (4 người con và chồng). Cụ thể: mỗi anh chị em được hưởng (1,5 tỷ chia 5) = 300 triệu đồng. Bố anh : (1/2 của 3 tỷ) + (1,5 tỷ chia 5) = 1,8 tỷ đồng
Năm 2007 Bố anh lấy vợ mới vì 1,8 tỷ này là tài sản riêng từ năm 2005 trước hôn nhân với vợ mới (Trừ trường hợp có thỏa thuận khác) nên khi bố anh mất tài sản của bố anh sẽ chia tiếp tục như sau: chia làm 6 phần gồm ( 4 người con chung với người vợ đã mất, người vợ sau, con chung 12 tuổi với người vợ sau ). Điều này có nghĩa là mỗi người sẽ nhận được 1,8 tỷ chia 6 = 300 triệu đồng.
=>Như vậy số tiền 4 anh chị em anh mỗi người được hưởng là 300+300 = 600 triệu đồng. Người vợ mới : 300 triệu đồng, người con 12 tuổi 300 triệu đồng (sẽ do mẹ quản lý đến khi đủ 18 tuổi).
Trân trọng!